TÁC DỤNG CỦA KẼM VÀ LÀM THẾ NÀO ĐỂ BỔ SUNG KẼM CHO TRẺ

Việc duy trì quá trình trao đổi chất của cơ thể để đảm bảo sự phát triển bình thường của cơ thể bé là vô cùng quan trọng.

Những thông tin dưới đây sẽ cung cấp cho mẹ những hiểu biết bổ ích về việc khi nào nên bổ sung kẽm và bổ sung như thế nào cho con.

Tác dụng của kẽm đối với sự phát triển của trẻ

Kẽm là nguyên tố vi lượng quan trọng rất cần thiết cho sự phát triển và trưởng thành của trẻ. Có thể tìm hiểu 5 tác dụng sau đây của kẽm đối với sự phát triển của trẻ:

1 – Nếu cung cấp đủ kẽm cho trẻ sẽ duy trì được quá trình trao đổi chất của hệ thống thần kinh và xương, cũng như sự trưởng thành về thể chất, tăng cường sự phát triển đại não, phát triển giới tính hoàn chỉnh.
2 – Kẽm giúp trẻ duy trì chức năng vị giác, khứu giác bình thường, kích thích trẻ ăn ngon. Vì chất protein có kẽm sẽ giúp trẻ duy trì được vị giác, phân biệt được mùi vị của món ăn, kích thích trẻ ăn tốt. Nếu thiếu kẽm, vị giác của trẻ sẽ không phân biệt được mùi vị của món ăn khiến chức năng tiêu hóa kém đi.
3 – Kẽm có tác dụng nâng cao công năng miễn dịch, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, là nguyên tố có ảnh hưởng rõ nét nhất đối với sức miễn dịch, có khả năng trực tiếp loại trừ các vi khuẩn gây bệnh giúp giảm thiểu bệnh tật cho trẻ.
4- Kẽm tham dự vào việc thay thế trao đổi chất của vitamin A trong cơ thể, có tác dụng rất tốt trong việc cải thiện thị lực.
5 – Kẽm còn có tác dụng bảo vệ sự phát triển bình thường màng keo của da, làm cho các vết thương chóng lành.

Trong trường hợp nào cần bổ sung kẽm cho trẻ?

Kẽm cũng như các nguyên tố vi lượng khác không thể tự sinh ra trong cơ thể, do đó hàng ngày đều phải bổ sung một lượng kẽm nhất định để đáp ứng nhu cầu của con. Nếu trẻ thường có những biểu hiện sau thì rất có thể đã bị thiếu kẽm:

1 – Trong một thời gian ngắn trẻ bị cảm mạo nhiều lần, viêm đường hô hấp.

2 – Thường xuyên lười ăn, khảnh ăn, chán ăn, hay ăn bậy bạ như vôi tường, đất, xỉ than…; rất khó ăn, gầy rộc hẳn đi.

3 – Phát triển chậm, người thấp lùn, phát triển không cân đối hoặc không phát triển.

4 – Dễ bị kích động, hay bực bội, hiếu động, không tập trung chú ý, trí nhớ kém, học tập sa sút thậm chí ảnh hưởng đến phát triển trí lực.

5 – Thị lực kém, giảm sút, thậm chí còn quáng gà, nhìn ban đêm không rõ.

6 – Tóc rụng nhiều, bổ sung canxi, hoặc vitamin D đều không đem lại hiệu quả.

7 – Thường xuyên viêm da, bị mụn nhọt, chữa trị không có kết quả.

Nếu xuất hiện các trường hợp trên cần kịp thời đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra kẽm trong tóc hoặc trong máu. Trên cơ sở chẩn đoán bổ sung kẽm kịp thời cho trẻ.

Sử dụng thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ như thế nào?

Việc cung cấp cho trẻ những dinh dưỡng đầy đủ và cân đối là khâu quan trọng nhất trong việc phòng ngừa trẻ bị thiếu kẽm. Trước hết bạn cần phải cải thiện thói quen ăn uống của trẻ, tìm cách khắc phục nhược điểm kén ăn, ăn theo sở thích của trẻ.

Trong bữa ăn cần cho trẻ ăn những thực phẩm tự nhiên giàu chất kẽm như: Các loại hải sản, (cá biển, con hàu, tôm, sò…), gan động vật, lạc, các chế phẩm đậu, quả vỏ cứng (hạnh nhân, hạt đào), mạch nha, lòng đỏ trứng gà, các chế phẩm sữa… Các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi để con có đủ kẽm để phát triển cơ thể.

Có thể tăng cường kẽm bằng các loại thực phẩm bổ sung kẽm, tiện dụng nhất là thông qua việc cho bé uống sữa. Các bà mẹ cũng nên cân nhắc chọn loại sữa nào tốt cho bé, phù hợp với độ tuổi của bé để bé có thể dễ hấp thụ được nguồn dinh dưỡng này. 

Các loại rau xanh có nhiều acid oxelic thực vật, trước khi nấu cần ngâm trong nước một lúc để tránh các chất này cản trở quá trình hấp thụ kẽm.

Chọn sản phẩm bổ sung kẽm như thế nào?

Đôi khi trẻ có biểu hiện thiếu kẽm rõ rệt, có thể phải uống thuốc bổ sung kẽm.

Khi bạn chọn sản phẩm bổ sung kẽm cho trẻ cần chú ý các điểm sau:

1 – Nắm vững chất lượng sản phẩm

Trước hết so sánh giữa kẽm hữu cơ và kẽm vô cơ thì kẽm hữu cơ kích thích dạ dày ít hơn, tỉ lệ hấp thụ cao hơn. Hiện nay đã có những loại thuốc kẽm kết hợp với protein hữu cơ nên mức hấp thụ cao hơn, tác dụng phụ ít hơn, nếu có thì nên mua loại này.

2 – Không được dùng các sản phẩm có cả canxi, sắt, kẽm

Nếu cơ thể hấp thụ quá nhiều canxi và sắt, chúng sẽ “cạnh tranh” với kẽm trong việc chuyển tải protein, can dự vào việc hấp thụ kẽm. Vì vậy mẹ nên chú ý đến việc này.

3 – Liều lượng và liệu trình phù hợp

Không phải bổ sung kẽm càng nhiều là càng tốt, phải căn cứ vào độ tuổi và mức độ thiếu kẽm để quyết định. Khi tính lượng kẽm cần bổ sung không được vượt quá tiêu chuẩn quy định và phải trừ đi lượng kẽm đã hấp thụ trong các bữa ăn hàng ngày.

Với những trẻ khó ăn và thiếu kẽm không nghiêm trọng trước hết có thể dùng thuốc bổ sung kẽm, khi đã thích nghi với ăn uống rồi nên cho trẻ ăn các thực phẩm giàu chất kẽm và giảm bớt việc sử dụng các loại thuốc bổ sung kẽm. Nếu mẹ sử dụng cả sản phẩm bổ sung sắt và kẽm cho trẻ thì nên sử dụng hai loại cách xa nhau, dùng kẽm trước, dùng sắt sau vì sắt sẽ làm cản trở sự hấp thu của kẽm.

Tuy có nhiều tác dụng tốt nhưng tránh dùng quá nhiều kẽm vì nó sẽ làm mất khả năng miễn dịch của cơ thể bé đấy nhé.