Vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi

Bé bú sữa mẹ hoàn toàn nhưng lại đi ngoài khó khăn, cơ thể xuất hiện  rôm sảy ngứa ngáy khó chịu…là những vấn đề mà không ít trẻ gặp phải khiến mẹ lo lắng.

Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời từ các bác sĩ chuyên khoa nhằm có biện pháp khắc phục những tình trạng này.

Hỏi đáp 1

Con em được 2 tháng tuổi, bú mẹ hoàn toàn. Lúc bé 1,5 tháng em có uống thuốc bổ tổng húp 3 lần và bé bị táo 7 ngày tuy vẫn bú, ngủ ngoan. Em có kích thích bé đi ị bằng dung dịch búm vào hậu môn. Sau 2 ngày bé tự đi ị được. Nhưng một tuần gần đây bé lại bị bón, không tự đi ị mà chỉ trung tiện rất nhiều. Xin tư vấn giúp em.

Bạn nên duy trì cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn và cố gắng ăn uống tốt để có đủ sữa cho bé bú. Vì nếu bé bú không đủ lượng sữa mẹ có thể bé sẽ bị táo bón kéo dài và ít tăng cân. Bạn nên mát-xa xung quanh bụng theo chiều kim đồng hồ khi bé rặn đi vệ sinh. Bé bú mẹ hoàn toàn có thể 5 ngày mới đi cầu nhưng phân mềm thì không phải táo bón. Bạn không cần can thiệp gì.

Nếu bé bị bón do phân quá cứng thì bạn có thể dùng thuốc bơm hậu môn.Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc thường xuyên vì có thể làm cho bé bị quen thuốc, mất phản xạ tự đi ị. Nếu bé vẫn táo bón, bạn nên đưa đi bác sĩ để được chẩn đoán một số nguyên nhân có thể gây táo bón kéo dài và có chỉ định điều trị thích hợp.

Hỏi đáp 2

Bé của em được 2 tháng tuổi, cổ của bé rất yếu, mỗi lần cho bé uống sữa xong là phải dốc thẳng đứng để bé ợ, nhưng cổ của bé gục qua bên này hoặc bên kia. Muốn giữ đầu bé thẳng phải lấy tay giữ thì mới được. Cho em hỏi có cách nào để cổ của bé khỏe và tự xoay trở được.

Ở trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi, cổ thường vẫn còn yếu nên chưa có khả năng tự giữ đầu thẳng. Do vậy, phụ huynh cần phải chú ý hỗ trợ tránh cổ bé bị gục sang một bên.

Nếu cổ bé quá mềm có thể do trương lực cơ cổ quá mềm, hoặc có bất thường gì về mặt thần kinh, thì bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Đồng để được khám, xét nghiệm và chẩn đoán, từ đó mới có hướng điều trị thích hợp.

Hỏi đáp 3

Con tôi 2 tháng tuổi, bị nổi hạt nhỏ trên mặt và cả người, cháu rất khó chịu. Tắm lá khổ qua và lá chè xanh thì không thấy khỏi, như vậy tôi phải làm sao để cháu hết? Bị như vậy có nguy hiểm không?

Bé bị nổi hạt nhỏ trên da nhưng bạn không mô tả có màu gì hoặc có nổi mụn mủ không. Có thể cháu bị rôm sảy nhiều gây ngứa ngáy. Bạn đã dùng các biện pháp dân gian là tắm khổ qua, chè xanh mà không khỏi. Tốt nhất bạn nên đưa cháu đi khám bác sĩ để phân biệt rõ xem cháu có bị nhiễm trùng da không.

Có một số sản phẩm chăm sóc da có thể được dùng để tắm cho bé theo chỉ định của bác sĩ hoặc nhân viên y tế. Nếu da cháu có nổi mụn mủ, có thể bác sĩ phải sử dụng thêm thuốc bôi ngoài da, thậm chí dùng thêm thuốc uống. Nếu bé chỉ bị rôm sẩy thông thường thì không có nguy hiểm, nhưng nếu bé bị nhiễm trùng da thì phải đi khám bác sĩ và điều trị để chăm sóc tốt hơn.

Bạn hãy tích cực trò chuyện, tương tác với bé để trẻ có thể phát triển tất cả các giác quan. Bé sẽ quan sát sự chuyển động của bạn khi nói và bắt chước theo, từ đó phát âm ra thành tiếng. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên chuẩn bị các kiến thức về ăn dặm cho bé ngay từ giai đoạn này để trau dồi dinh dưỡng ăn dặm đúng cách khi bé bước qua tháng thứ 5 hoặc 6 nhé.