Hướng dẫn ước lượng khẩu phần một bữa ăn tiêu chuẩn của bé

Theo hướng dẫn về dinh dưỡng cho trẻ nhỏ của Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh, ăn dặm một lượng đủ và đúng có thể giúp bé phát triển tốt về cân nặng, chiều cao cũng như tránh bị biếng ăn do phải ăn quá nhiều. Ngoài ra, việc cho bé ăn đúng lượng theo hướng dẫn sẽ hỗ trợ việc tiêu hóa của bé, giúp bé hạn chế các vấn đề về tiêu hóa.

Để hướng dẫn cha mẹ dễ dàng hơn trong việc cân đo lượng chất cho mỗi bữa, Bộ Y tế Anh đưa ra hướng dẫn lượng ăn theo kích thước bàn tay của bé. Giáo sư bác sĩ Poster, Hiệp hội Dinh dưỡng Anh nhấn mạnh: Kích thước bàn tay bé phát triển theo độ tuổi của bé. Chính vì vậy, việc ước lượng các chất dinh dưỡng theo kích thước bàn tay của bé có thể cung cấp cho cha mẹ một công cụ nhanh và tương đối chính xác về việc phản ánh một lượng ăn trên một bữa của các bé.

Quy tắc bàn tay của bé:

(xem hình minh họa)

  • Lượng rau/củ/quả = nắm tay của bé.
  • Lượng hạt ăn dặm = chiều dài ngón cái của bé.
  • Lượng cháo của bé = dung tích bàn tay bé xòe ra.
  • Riêng lượng chất đạm sẽ tùy vào loại thực phẩm (cá, tôm, thịt) mà có ước lượng khác nhau (xem hình đính kèm) để đảm bảo cho bé hấp thụ tốt các nguồn chất đạm giúp cho tăng trưởng, hệ miễn dịch, não bộ của bé và đồng thời hạn chế quá nhiều cholesterol.

Lưu ý:

*Bàn tay trong hình là ước lượng theo bàn tay của bé.

**Độ sâu của cháo = độ dài từ đầu ngón giữa đến giữa lòng bàn tay bé

***Độ dày của thịt cá = độ dày cạnh bàn tay của bé.

Thứ tự giới thiệu nguồn chất đạm cho bé

Nhiều cha mẹ do dự cho bé ăn dặm chất đạm từ động vật trong giai đoạn đầu tập ăn. Tuy nhiên, Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh và Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyên: Nên giới thiệu thịt động vật (đặc biệt là thịt bò, thịt heo) cho bé từ tuần thứ 2 ăn dặm hoặc từ 6 – 6.5 tháng tuổi để cung cấp đủ chất đạm và nguyên tố sắt cho phát triển cơ thể và não bộ. Tuy nhiên, giai đoạn nào? Loại thịt nào? Cách lựa chọn thịt như thế nào? Có nên cho bé ăn thịt nội tạng (gan, tim, óc) hay không? Ăn thịt nội tạng khi nào tốt nhất và lượng bao nhiêu? Đó là những câu hỏi băn khoăn của nhiều cha mẹ.

Thứ tự giới thiệu nguồn chất đạm cho bé:

Thứ tự giới thiệu nguồn chất đạm (hình minh họa) được khuyên bởi Hiệp hội Dinh dưỡng Lâm sàng Anh để giúp bé tránh các nguy cơ dị ứng và phù hợp với sự tiết men tiêu hóa theo từng giai đoạn của bé để các bé ăn tốt hơn, ít bị rối loạn tiêu hóa hơn.

Thịt heo/thịt bò

Theo các chuyên gia dinh dưỡng của Mayo Clinic nên chọn thịt heo/bò cho các bé các phần sau: Phần mông trên (top round), mông dưới (bottom round), thịt thăn ngoại trên (top sirloin), thăn nội (tenderloin). Đây là những phần chứa nhiều sắt, chất đạm, ít chất béo và dễ tiêu hóa cho các bé dưới 1 tuổi.

Để gia tăng thêm chất dinh dưỡng cho thịt heo/bò có thể nấu cùng với nước ép táo hoặc thơm (khóm).

Thịt heo/bò nên bắt đầu giới thiệu từ 6 – 6.5 tháng tuổi, một tuần nên dùng 2-3 ngày thịt heo/bò cho bé.

Thịt gà

Chọn gà mái tơ hoặc gà chỉ đẻ một lứa (nhìn vào phần màu vàng dưới chân gà, nếu dày thì gà đã đẻ nhiều lứa). Nên chọn phần ức gà và đùi gà (đây là những phần giàu kẽm, protein, ít chất béo). Bạn nên chọn dạng fillet, bỏ xương và da.

Lúc chọn thịt gà: Nên chọn thịt hồng tươi, không bị tái, không bị bở.

Thịt gà nên giới thiệu cho bé từ 7.5 tháng tuổi. Tuần khuyên dùng từ 1 – 2 ngày.

Tôm sông/tôm biển

Chọn tôm còn tươi, bỏ sạch đầu tôm, gạch tôm và chỉ đen ở lưng tôm. Kích thước tôm không nên to hơn ngón tay cái của người lớn. Nên chế biến tôm cùng với cà chua hoặc lòng đỏ trứng đế tăng chất dinh dưỡng cho bữa ăn.

Tôm sông có thế giới thiệu cho bé sau 7.5 tháng tuổi, đối với tôm biển thì từ sau 9 tháng. Không nên cho bé ăn quá 2 ngày/tuần vì cholesterol trong tôm cao.

Cua biển/cua đông

Cua biển chỉ ăn phần thịt trắng, không ăn gạch cua vì gạch cua chứa một số chất đạm có nguy cơ gây dị ứng cao ở nhiều bé dưới 1 tuổi. Nên hấp nguyên con, xé nhỏ thịt trắng của cua và chế biến nấu súp hoặc xào.

Cua đồng bỏ gạch cua, xay nhuyễn, lược qua rây và chế biến nấu canh cho bé hoặc chiên với trứng. Cua đồng có thể dùng cho bé sau 7.5 tháng tuổi, cua biển thì nên cho bé sau 9 tháng tuổi. Tuần không nên cho bé ăn quá 2 ngày.

Cá sông/cá biển

Theo hướng dẫn về chọn cá của New York State Fish Advisories, riêng cá biển thì không chọn kích thước quá to (>1.3kg/con). Chọn phần bụng cá, phần đuôi cá, phần lưng cá.

Bỏ mang cá, nội tạng cá, gan cá (đặc biệt là cá biển) và phần mỡ cá nằm trong nội tạng hoặc rời ra khỏi thịt (thường thấy ở cá da trơn).

Cá đồng có thể dùng cho bé sau 7.5 tháng tuổi, cá biển thì nên cho bé từ 9 tháng tuổi trở lên. Tuần khuyên dùng 3 ngày cá. Trong đó ít nhất là 2 ngày/tuần có cá chép, cá thu, cá hồi và lươn để cung cấp DHA/EPA cho bé nhằm phát triển não bộ.

Thịt nội tạng

Theo giáo sư Lynn, chuyên gia dinh dưỡng của Viện Weston A. Price, các loại nội tạng nên dùng cho bé như: Gan, tim, óc và trứng cá vì đó là nguồn cung cấp một số vitamin và khoáng như vitamin A, folate, choline, kẽm, sắt và vitamin B12. Tuy nhiên, không khuyên dùng cật, thận, mắt động vật và gan cá biển.

Thịt nội tạng (gan, tim, óc và trứng cá) có thể cho bé từ 10 tháng tuổi dùng, tuy nhiên gan ngỗng nên dùng cho bé từ 12 tháng tuổi.

Tuần không quá 2 ngày. Mặc dù thịt nội tạng có nhiều chất dinh dưỡng nhưng tốt nhất là không nên dùng quá nhiều một loại một và vượt hơn 2 ngày/tuần vì sẽ gây gánh nặng lên thận bé.

Nên chọn thịt nội tạng có nguồn gốc rõ ràng hoặc từ nguồn động vật được nuôi tại gia đình. Đối với những loài động vật sử dụng thức ăn chứa nhiều chất tăng trưởng thì không nên dùng nội tạng của chúng.