Chọn bột ăn dặm cho bé: Bột ngọt hay bột mặn?

Tùy vào cơ địa và biểu hiện của bé mà các mẹ có thể chủ động cho con bước sang giai đoạn ăn dặm từ tháng thứ 4, tuy nhiên để việc ăn dặm không phải là “cuộc chiến” thì các mẹ cần chuẩn bị kiến thức về dinh dưỡng cũng như theo dõi sở thích của bé yêu nhằm lựa chọn loại bột ăn dặm phù hợp.

Thông thường sẽ có 2 loại bột là bột có vị ngọt (Bột ngọt) và bột có vị mặn (Bột mặn), nhiều người quan niệm khi bé mới tập ăn nên cho sử dụng bột ngọt trước, nhưng trên thực tế thì điều này chưa chính xác, bởi tùy vào vị giác của bé mà sự lựa chọn này khác nhau.

Điểm giống và khác nhau giữa bột ngọt và bột mặn

Giống nhau:

  • Hai loại bột ăn dặm vị ngọt và mặn đều có thành phần dinh dưỡng và hàm lượng vi chất tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của bé.
  • Mùi vị đa dạng.

Khác nhau:

  •  Vị: Ngọt và mặn
  •  Nguồn gốc thành phần đạm:

+ Thành phần chất đạm trong bột ngọt được cung cấp chủ yếu từ sữa

+ Thành phần chất đạm trong bột mặn được cung cấp từ thực phẩm như thịt, cá, hải sản…

Phân tích cách kết hợp trong thành phần bột

Bột ngọt: Để phát huy tính đa dạng vị giác cũng như nâng cao hàm lượng nhóm dinh dưỡng tổng hợp trong bột thì thành phần của bột ngọt thường là sự kết hợp giữa sữa và các loại rau củ quả, gạo, lúa mạch, trái cây….

Bột mặn: cũng cùng mục đích hướng đến như bột ngọt thì bột mặn sẽ có sự kết hòa hợp dinh dưỡng giữa gạo và các thành phần tươi sống như cá, thịt, sò,…

Hướng dẫn cách nấu bột ăn dặm chuẩn cho bé yêu                      

Bột vị ngọt

Như đã đề cập phía trên về quan niệm nên cho bé tập ăn dặm bắt đầu với bột vị ngọt trước tuy chưa chính xác, nhưng với một số bé có hệ tiêu hóa phát triển chưa ổn định thì vị ngọt và thành phần dinh dưỡng của sữa, bột gạo hay trái cây trong bột ngọt luôn hợp lý hơn rất nhiều.

Nguyên tắc nấu bột ngọt cũng khá đơn giản, mẹ hãy cùng vào bếp với chúng tôi nhé:

– Đặc điểm chung của các món bột này là mọi nguyên liệu đều phải hầm nhừ, xay nhuyễn, mịn và loãng, tuyệt đối không được lợn cợn.

– Bột gạo: Nếu mẹ sử dụng gạo nguyên hạt để nấu thì phải nấu nhuyễn thành cháo, sau đó xay nát ra. Còn nếu dùng trực tiếp bột gạo để làm thì khuấy với nước lạnh cho bột hòa tan, nấu trên lửa vừa cho đến khi bột sôi và chín.

– Rau củ: Nấu riêng, hầm mềm sau đó vớt ra nghiền nát hoặc xay nhuyễn.

– Cuối cùng trộn hỗn hợp lại với nhau, có thể hòa cùng với một muỗng nhỏ sữa bột. Tuyệt đối không nêm thêm gia vị vì ở giai đoạn tập ăn, bé cần được làm quen với hương vị tự nhiên của các nguyên liệu. Đặc biệt việc tiếp xúc gia vị quá sớm có thể ảnh hưởng đến thận của bé.

Bột vị mặn

Chất dinh dưỡng trong các loại bột ăn dặm cho bé vị mặn có dưỡng chất tốt cho sự phát triển trí não và chiều cao của trẻ, tùy vào tháng tuổi mà các mẹ có thể gia giảm lượng thịt, cá, tôm, trứng…vào bột ăn dặm.

Nguyên tắc nấu bột mặn như sau:

– Nguyên liệu mặn như thịt, cá, tôm…cần hầm mềm và xay nhuyễn.

– Với phần bột thì cách nấu cũng giống như bột ngọt, nhưng nếu bé đã lớn hơn 7 tháng thì mẹ có thể tăng độ lợn cợn cho bé tập làm quen.

– Rau củ xay nát hoặc chuyển qua nghiền tay, mài nhỏ…

– Trộn hỗn hợp lại với nhau sao cho độ sánh mịn vừa phải, nêm thêm 1 muỗng nhỏ dầu ăn chuyên dùng cho bé.

Trên đây là những kiến thức để phân biệt, hướng dẫn cách chế biến bột ngọt và bột mặn cho bé ăn dặm, hy vọng các mẹ đã có thể định hướng được chế độ dinh dưỡng hợp lý cho con yêu của mình qua bài viết này.