Chế biến thế nào tiết kiệm thời gian khi cho con ăn dặm kiểu Nhật

Nguyên tắc của phương pháp ăn dặm theo kiểu Nhật chính là nấu riêng từng loại thực phẩm, mỗi món đều được chế biến và trình bày riêng lẻ do đó đối với vài người việc này là cực kỳ tốn thời gian. 

Trong bài viết này, chúng tôi sẽ hướng dẫn các mẹ làm thế nào để chế biến đầy đủ chất cho con nhưng không mất quá nhiều thời gian của mẹ. 

Trữ lạnh thức ăn

Từ khi mới sinh ra cho đến khi trẻ đạt 6 tháng tuổi, nguồn dinh dưỡng chủ yếu của trẻ sẽ là sữa mẹ. Những tuần đầu tiên khi bắt đầu quá trinh ăn dặm, trẻ chỉ nên được cho ăn khoảng 1 bữa một ngày kèm theo lượng thức ăn rất ít nên dể tiết kiệm thời gian, mẹ có thể chế biến nhiều hơn một chút rồi mới cho vào ngăn đá trữ lạnh. Trữ lạnh thì cũng phải làm đúng cách, các mẹ chú ý dưới đây nhé:

Để cho thực phẩm nguội hoàn toàn rồi mới đổ ra khuôn đá và cho vào ngăn đông

– Cháo: các mẹ có thể nấu cháo theo đúng tỷ lệ (1:10, 1:9…) như bình thường và lớn hơn lượng cháo trẻ ăn thường ngày vài lần, rây lưới nhuyễn đúng độ thô của bé ăn rồi chia vào từng hộp nhỏ vừa lượng theo từng bữa, trữ ngăn lạnh trong khoảng 4-7 ngày. Mẹ lưu ý là cả cháo và các món ăn khác khi trữ lạnh phải để thức ăn thật nguội rồi mới cho vào. Bạn nên rây nhuyễn gạo trước khi cho vào ngăn tủ lạnh để tiết kiệm thời gian vì lúc nấu vừa xong sẽ dễ rây hơn. 

– Các loại thịt bò, gà, lợn: Chọn thịt tươi mới được bày bán và chế biến ngay lập tức khi về nhà. Trần thịt qua nước sôi nóng già có bỏ chút gừng để loại bỏ tạp chất và mùi hôi, thấm khô rồi xay/bằm nhỏ tùy vào độ thô mà bé đang ăn. Sau đó chia thịt thành từng viên vừa bữa bé ăn, bỏ vào trong hộp nhựa hoặc gói trong nilon bọc thực phẩm riêng rẽ từng loại thịt, từng bữa rồi cho vào ngăn đá. Ngoài ra, mẹ có thể chia thịt nhỏ thành từng miếng nhỏ vừa ăn từng bữa rồi cấp đông, với trường hợp này, lúc cần ăn lấy miếng thịt đó mài ra cho trẻ. Khi trữ thịt trong ngăn đông thì có thể dùng tốt trong vòng 1-2 tuần, sau 2 tuần mẹ nên đem thịt còn vứt bỏ, không nên vì tiết kiệm mà làm thành các món ăn cho gia đình.

– Nước dùng: nước hầm xương hay nước luộc gà sau khi hoàn thành nên được bỏ vào ngăn mát tủ lạnh trong khoảng vài tiếng để mỡ nổi lên và đông lại, mẹ có thể dễ dàng loại bỏ lớp mỡ đó rồi hãy cho vào ngăn đá để trữ đông. Nước dashi là một trong những loại nước dùng cơ bản của người Nhật, nước này được làm từ cá bào, rong biển và một số loại củ nên để thật nguội rồi cho vào khay đá và trữ đông để dùng dần. 

Thịt cá thì nên cắt thành miếng vừa ăn rồi cho vào khuôn đá

– Rau củ, nhất là các loại rau có lá thì nên chế biến tươi. Nhưng do trẻ còn nhỏ nên lượng ăn không nhiều, mỗi lần chỉ làm một phần nhỏ nên rất lích kích, nếu mẹ không có thời gian thì vẫn có thể xay mịn trữ đông để làm dạng súp rau đều được nhưng thời gian bảo quản không được lâu dài như thịt.

– Các loại thủy hải sản như cá, tôm, cua nên sơ chế cấp đông theo dạng từng miếng hoặc viên nhỏ theo khẩu phần ăn mỗi ngày của con. Mỗi lần chỉ cần lấy một viên nhỏ ra rã đông và chế biến tiếp cho con ăn. 

Cách rã đông an toàn cho bé

Mẹ có thể rã đông bằng 2 cách: đun với lửa liu riu hoặc làm nóng bằng lò vi sóng.

– Rã đông bằng cách đun: Tới bữa ăn, mẹ đem nước dùng và cháo ra giải đông, đun lửa liu riu cho cháo nóng và sánh lại.

– Làm nóng bằng lò vi sóng trong 1-2 phút.

Lập thực đơn ăn dặm cho con trước ít nhất 1 ngày để căn chỉnh lượng thức ăn còn sót lại và lượng thức ăn cần mua thêm vào.

Đối với thịt cá, mẹ nên mài nát rồi hòa cùng nước lạnh cho tơi, lọc bỏ gân xơ và đôi khi xương còn xót lại rồi mới bắt đầu chế biến cho con. Còn rau thì nên để nguyên bản rồi hấp chín rồi mới bắt đầu băm nhỏ/xay nhuyễn cho bé ăn. Như vậy chế biến 1 bữa ăn dặm cho bé, mất tối đa là 20 phút nếu mẹ làm chậm và nhiều món khác nhau. 

Ăn dặm kiểu Nhật giúp con phát triển được kĩ năng phân biệt được mùi vị thức ăn nguyên bản một cách chính xác nhất, giúp tinh tế khi nhận biết mùi vị thức ăn hơn. 

Giai đoạn cho trẻ ăn dặm là thời gian giúp trẻ làm quen với thức ăn, chuẩn bị hấp thụ các chât dinh dưỡng từ thực phẩm ngoài do bé lớn và sữa mẹ không đáp ứng đủ. Do chỉ là trong gia đoạn làm quen cho nên bé không cần phải ăn quá nhiều, sữa mẹ mới chính là nguồn cung cấp năng lượng và dinh dưỡng chính cho con.